Sau khi Đường Hiến Tông lên ngôi có tiến hành 1 vài cải cách chính trị, dùng mấy người chính trực như Lý Dịch làm tể tướng. Nhưng mặt khác, ông vẫn rất tin cậy bọn hoạn quan. Để thảo phạt phiên trấn, Hiến Tông cử 1 hoạn quan làm nguyên soái, việc này bị 1 số đại thần phản đối, trong đó người phản đối mạnh mẽ nhất là Tả thập di Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị là 1 nhà thơ nổi tiếng thời Đường, quê ở Hạ Khê (nay ở đông bắc huyện Vị Nam, Thiểm Tây). Tiếng tăm về tài thơ của ông được lan truyền từ rất sớm. Từ nhỏ, Bạch Cư Dị đã rất thông minh, mới 6-7 tháng tuổi đã phân biệt được chữ "chi", chữ "vô". Từ năm 6 tuổi đã tập làm thơ. Khi ông khoảng 15-16 tuổi, người cha là Bạch Lý Canh làm quan ở Từ Châu, cho Bạch Cư Dị tới kinh thành Trường An để kết giao với các danh nhân và hiểu biết việc đời. Lúc đó, cuộc nổi loạn của Chu Thử vừa kết thúc, Trường An còn rất tiêu điều xơ xác. Đặc biệt là do chiến tranh kéo dài 10 năm, nạn đói lan tràn, giá lương thực ở Trường An rất cao, đời sống nhân dân rất khó khăn.
Lúc đó, Trường An có 1 nhà văn tên là Cố Huống, có chút tài năng và danh tiếng, nhưng tính cách rất cao ngạo, gặp lớp hậu sinh thường lên mặt cha chú, rất khó gần. Bạch Cư Dị nghe tiếng Cố Huống liền đem bản thảo tập thơ của mình đên gặp Cố Huống để thỉnh giáo. Cố Huống nghe nói Bạch Cư Dị cũng là quan gia tử đệ, không thể không tiếp. Gặp Cố Huống, Bạch Cư Dị lễ phép đưa danh thiếp và bản thảo tập thơ cho ông. Cố Huống ngắm cậu thiếu niên, lại nhìn danh thiếp thấy cái tên "Cư Dị" (Cư Dị ở đây có nghĩa là dễ) thì chau mày nói đùa: "Gần đây ở Trường An, giá lương thực rất đắt, sợ rằng ở đây không dễ dàng đâu?".
Bạch Cư Dị bị ông ta trêu cợt, vẫn lặng im cung kính đứng khép nép 1 bên, chờ nghe lời chỉ giáo. Cố Huống cầm bản thảo tập thơ, thuận tay giở xem lướt từng trang. Bỗng ông dừng tay, mắt chăm chăm nhìn vào tập thơ, bất giác khẽ khàng ngâm lên:
"Ly ly nguyên thượng thảo
Nhất tuế nhất khô vinh
Dã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh..."
Dịch thơ:
"Cỏ mọc tràn thảo nguyên
Mỗi năm khô rồi tốt
Lửa đồng thiêu không hết
Xuân tới lại trồi lên"
Ngâm tới đó, Cố Huống lộ vẻ hào hứng, đứng bật dậy, kéo tay Bạch Cư Dị, nắm chặt và nồng nhiệt nói: "Ôi chao! Viết được những câu thơ như thế này thì trú tại Trường An không khó khăn gì. Vừa rồi ta nói đùa, cậu chớ để tâm".
Sau lần gặp gỡ đó, Cố Huống hết sức tán dương thi tài của Bạch Cư Dị, gặp ai ông cũng khoe cậu con nhà họ Bạch giỏi giang. Một truyền mười, mười truyền trăm, khiến Bạch Cư Dị nổi tiếng khắp Trường An. Mấy năm sau, ông thi đậu tiến sĩ. Đường Hiến Tông biết tiếng ông, liền phong ông làm hàn lâm học sĩ và sau đó, thăng ông lên chức tả thập di (gián quan). Bạch Cư Dị đâu phải hạng người mưu danh cầu lợi, chịu xu nịnh quan trên. Ông không ngừng sáng tác thơ văn, bóc trần mọi hiện tượng xấu xa trong xã hội, đồng thời nhiều lần can gián thẳng thắn Đường Hiến Tông, đặc biệt là việc trao cho hoạn quan nắm binh quyền. Lần này, ông can gián việc Đường Hiến Tông phong hoạn quan làm nguyên soái khiến Đường Hiến Tông rất tức giận. Nhà vua nói với tể tướng Lý Dịch: "Tên Bạch Cư Dị đó do chính trẫm đưa lên làm quan mà đối với trẫm rất vô lễ. Trẫm không chịu nổi hắn nữa!".
Lý Dịch nói: "Bạch Cư Dị dám thẳng thắn can ngăn bệ hạ, không sợ mất đầu, điều đó chứng tỏ ông ta rất trung thành với quốc gia. Nếu bệ hạ trị tội ông ta, thì sợ rằng sau này sẽ không ai dám nói thẳng nữa".
Đường Hiến Tông miễn cưỡng nghe theo ý kiến của Lý Dịch, tạm thời chưa cách chức Bạch Cư Dị. Nhưng chẳng được bao lâu, ông ta không cho Bạch Cư Dị làm chức Tả thập di, mà điều sang làm chức quan khác. Bạch Cư Dị làm rất nhiều thơ, trong đó không ít bài phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, như bài "Tần trung ngâm" và bài "Tân Nhạc phủ". Trong thơ Bạch Cư Dị, bài thì vạch trần tội ác của bọn hoạn quan cậy thế hà hiếp nhân dân, bài thì châm biếm đời sống cực kì xa hoa lãng phí của giới quan liêu, quí tộc, có bài phản ánh số phận đau khổ của nhân dân lao động. Lời thơ của ông giản dị dễ hiểu, được quần chúng rộng rãi yêu thích. Khắp đầu đường cuối ngõ, đâu đâu cũng có người truyền nhau đọc thơ Bạch Cư Dị. Tương truyền, mỗi khi viết xong 1 bài thơ, bao giờ ông cũng đọc cho các cụ bà mù chữ nghe, chỗ nào các cụ không hiểu, ông liền sửa lại cho tới khi thật dễ hiểu mới thôi. Điều đó đương nhiên chỉ là truyền thuyết, nhưng cũng tỏ rằng thơ ông khá gần gũi quần chúng.
Chính vì thơ ông đã phản ánh hiện thực, xúc phạm tới bọn hoạn quan và quan liêu quí tộc lớn, nên 1 số kẻ căm giận và nguyền rủa ông. Những kẻ muốn vu hãm ông chỉ chờ thời cơ là hành động. Mấy năm sau, Bạch Cư Dị làm đại phu trong Đông cung của thái tử. Lúc đó, xảy ra sự kiện tể tướng Vũ Nguyên Hành bị đối thủ cử thích khách ám sát. Việc này có nguyên nhân chính trị phức tạp, các quan trong triều đều im lặng không dám mở miệng, chỉ riêng Bạch Cư Dị là tỏ thái độ. Ông dâng sớ tấu lên Hiến Tông, xin ra lệnh truy nã hung thủ. Bọn hoạn quan và giới quan liêu quí tộc nắm ngay cơ hội đó, nói Bạch Cư Dị không phải là gián quan, sao được phép nói lung tung về đại sự triều đình, cần phải được nghiêm trị để giữ kỷ cương. Hùa theo đó, 1 số quan chức vốn không ưa Bạch Cư Dị, ồn ào đặt chuyện vu cáo bôi nhọ ông. Có kẻ nói bà mẹ Bạch Cư Dị nhân lúc đang ngắm hoa, sơ ý bị ngã xuống giếng mà chết, thế mà Bạch Cư Dị vẫn viết những bài thơ "Thưởng hoa" và "Giếng mới", như thế rõ ràng là đại bất hiếu. Qua mạng lưới tội danh được thêu dệt la liệt như thế, khó ai có thể biện hộ cho ông. Cuối cùng, ông bị giáng chức, đổi đi làm tư mã ở Giang Châu (nay là Cửu Giang, Giang Tây).
Bị biếm trích 1 cách vô lý, sau khi tới Giang Châu, tâm tình Bạch Cư Dị hết sức u uất. Một buổi tối, nhân đi tiễn khách ở Bồn Phố Khẩu ở Giang Châu, ông nghe thấy tiếng đàn tỳ bà ai oán vọng trên mặt sông, vội sai người tìm hỏi. Được biết tiếng đàn đó là của 1 kỹ nữ già từng nhiều năm phiêu bạt giang hồ. Ông ghé thuyền đến gặp, sau khi nghe ngón đàn tuyệt kỹ của nàng và nghe nàng thuật lại thân thế chìm nổi bi thương thì hết sức xúc động. Lại liên tưởng đến cảnh ngộ của mình, ông thấy trào dâng niềm đồng cảm sâu sắc, liền viết nên bài trường thi tự sự nổi tiếng "Tỳ bà hành" có những câu:
"Ngã vãn tỳ bà dĩ thán tức
Hựu văn thử ngữ trung tức tức
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức..."
Dịch thơ:
"Nghe đàn ta đã chạnh buồn
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau họ sẵn quen nhau..."
Sau này, Bạch Cư Dị còn trở về kinh thành mấy lần và làm đại quan trong triều. Nhưng triều chính lúc bấy giờ vô cùng hỗn loạn, người chính trực như Bạch Cư Dị khó lòng thực hiện hoài bão. Ông chỉ còn biết dồn hết tinh lực vào sáng tác thơ ca. Suốt cuộc đời, ông đã viết tất cả hơn 2800 bài thơ. Đó là di sản hết sức quí báu trong kho tàng văn học của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Historische RomaneMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...