Do quân và dân Đông Kinh kiên quyết kháng chiến, tướng Kim là Tông Vọng buộc phải lui quân. Chủng Sư Đạo kiến nghị với Tống Khâm Tông là nhân lúc quân Kim rút quan Hoàng Hà, nên phát động 1 cuộc tập kích để tiêu diệt chúng. Đây là 1 ý kiến hay, nhưng Tống Khâm Tông không những không làm theo mà còn cách chức luôn Chủng Sư Đạo. Sau khi quân Kim rút đi, Tống Khâm Tông và 1 số đại thần cho rằng từ nay lại có thể yên tâm sống cuộc sống thái bình rồi. Họ liền đón Huy Tông trở lại Đông Kinh. Lý Cương nhiều lần nhắc nhở Tống Khâm Tông là phải tăng cường quân bị, phòng ngừa quân Kim tiến công trở lại. Nhưng mỗi lần nêu ý kiến đều bị các đại thần thuộc phí đầu hàng ngăn trở. Tống Khâm Tông cũng bực mình, cho là Lý Cương nhiều lời. Ngờ đâu, cánh quân phía đông của Tông Vọng vừa rút, nhưng cánh quân phía tây của Tông Hàn vẫn không chịu thôi, tiếp tục vây đánh Thái Nguyên. Tống Khâm Tông cử đại tướng Chủng Sư Trung đem quân lên cứu, nhưng đi tới nửa đường đã bị quân Kim vây chặt, Chủng Sư Trung thua trận, hy sinh. Các đại thần thuộc phái đầu hàng đang không muốn Lý Cương có mặt ở triều đình, liền xui Tống Khâm Tông cử Lý Cương lên Hà Bắc tham gia chiến đấu. Một số đại thần chính trực thấy không nên để Lý Cương rời kinh thành vào lúc này, nhưng Tống Khâm Tông nhất định điều ông đi.
Lý Cương biết rõ mình bị gạt bỏ, nhưng vì là được điều đi đánh Kim, nên ông không muốn thoái thác. Khâm Tông cấp cho ông 1 vạn 2000 người. Ông xin triều đình cấp quân phí bằng bạc, vải vóc và tiền, mỗi thứ trị giá 1 triệu lạng. Triều đình chỉ cấp cho ông 20 vạn lạng. Lý Cương muốn được chuẩn bị đầy đủ rồi sẽ xuất phát, nhưng Tống Khâm Tông sợ ông kéo dài thời gian nên liên tục thúc giục. Lý Cương đành dẫn quân vội vã lên đường. Đến Hà Dương, Lý Cương chiêu mộ thêm binh mã, nhưng triều đình lập tức ra lệnh buộc ông phải giải tán số quân mới chiêu mộ được và tiến lên Thái Nguyên ngay. Lý Cương chia quân làm 3 đường để đánh địch, nhưng các tướng lĩnh do triều đình trực tiếp chỉ huy không chịu tuân theo sự điều động của ông. Ba cánh quân thiếu sự thống nhất chỉ huy, kết quả bị đại bại. Lý Cương chỉ là thống soái trên danh nghĩa mà không có quyền chỉ huy trên thực tế, đành xin triều đình cho từ chức. Bọn chủ hàng liền công kích ông là luôn nói đánh Kim, mà khi đánh lại để hao binh tổn tướng. Tống Khâm Tông liền cách chức Lý Cương, biếm trích ông xuống miền nam.
Vua tôi triều Kim rất sợ Lý Cương, nay Lý Cương đã bị bãi chức nên họ không còn e ngại gì nữa. Kim Thái Tông liền hạ lệnh cho Tông Hàn, Tông Vọng tiến công Đông Kinh. Lúc đó, thành Thái Nguyên đã bị cánh quân phía tây của Tông Hàn bao vây suốt 8 tháng. Tướng chỉ huy phòng thủ Thái Nguyên là Vương Bẩm chỉ huy quân và dân kiên quyết chống giữ. Quân Kim dùng mọi biện pháp đánh thành, đều bị Vương Bẩm đánh lui. Lâu ngày, trong thành hết lương, quân lính phải giết lừa ngựa và bò để ăn đỡ đói. Bò ngựa hết, họ phải ăn tới dây da trên cung nỏ. Dân chúng đều ăn rau dại và cám, nhưng không 1 ai chịu đầu hàng. Cuối cùng, thành Thái Nguyên bị vỡ. Sau khi dẫn đầu binh kính kịch chiến trong từng ngõ phố, Vương Bẩm nhảy xuống sông Phần tự tận. Sau khi Thái Nguyên thất thủ, 2 cánh quân Kim tiến xuống phía nam. Các đạo quân Tống nghe tin Đông Kinh nguy cấp, chủ động đem quân tới cứu. Tống Khâm Tông và các đại thần thuộc phái chủ hàng chỉ lo cắt đất cầu hòa nên lại ra lệnh cho họ dẫn quân trở về địa phương.
Lúc đó, quân Tống phòng thủ ở bờ nam Hoàng Hà còn tới 12 vạn bộ binh và 1 vạn kỵ binh. Cánh quân phía tây của Tông Hàn tới bờ bắc Hoàng Hà, không dám dùng sức mạnh để vượt sông. Đến đêm, họ hư trương thanh thế, cho binh lính đánh trống suốt đêm. Quân Tống ở bờ nam nghe tiếng trống bên bờ bắc, tướng quân Kim vượt sông tiến công, liền đua nhau bỏ doanh trại chạy trốn. Chỉ trong thời gian ngắn, 13 vạn quân Tống đã rút chạy sạch trơn. Tông Hàn không mất chút sức nào, đã vượt sông thuận lợi. Cánh quân phía đông của Tông Vọng cũng đánh chiếm Đại Danh (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) rồi vượt sông tiến xuống. Hai cánh quân ngày càng tới gần Đông Kinh làm Tống Khâm Tông khiếp đảm. Số đại thần thuộc phái đầu hàng ngày ngày rỉ rả nói với Khâm Tông là ngoài việc xin hòa ra, không có cách nào khác. Tống Khâm Tông đành cử em là Khang vương Triệu Cấu đến chỗ Tông Vọng xin hòa. Triệu Cấu đi qua Từ Châu (nay là huyện Từ, Hà Bắc). Quan cai trị Từ Châu là Tông Trạch nói với Triệu Cấu: "Triều Kim muốn điện hạ tới nghị hòa chỉ là thủ đoạn đánh lừa thôi. Chúng đã đem quân đến sát kinh thành, thì nghị hòa còn có tác dụng gì nữa?".
Dân chúng Từ Châu cũng ngăn ngựa của Triệu Cấu lại, không cho ông ta tới trại Kim cầu hòa. Triệu Cấu sợ bị quân Kim bắt giữ, liền dừng lại ở Kim Châu (nay là An Dương, Hà Nam). Không lâu sau, 2 cánh quân Kim đã tới chân thành Đông Kinh, bắt đầu tiến công mãnh liệt. Trong thành chỉ còn 3 vạn quân cấm vệ, nhưng sớm rời rã, bỏ trốn mất quá nửa. Tướng lĩnh các địa phương vì đã có lệnh triều đình nên không ai đem quân về cứu Đông Kinh. Lúc này, Tống Khâm Tông mới muốn gọi Lý Cương trở về, nhưng không kịp nữa rồi. Tống Khâm Tông cuống quýt không biết làm gì. Trong kinh thành có 1 tên đại bịp, tên là Quách Kinh. Hắn ta huênh hoang là biết pháp thuật, chỉ cần thu thập đủ 7779 "thần binh"là có thể bắt sống tướng Kim, đánh lùi quân Kim. Một số đại thần liền bu lấy hắn, coi hắn như 1 cọng rơm cứu mạng, giúp hắn tụ tập bọn lưu manh côn đồ làm "thần binh". Đến khi quân Kim đánh thành, Quách Kinh và các "thần binh" của hắn vừa giao phong đã tan vỡ, thành Đông Kinh nhanh chóng bị quân Kim đánh chiếm. Tống Khâm Tông thấy ngày tàn đã đến, khóc thảm thiết rồi đành cùng mấy đại thần đem thư đầu hàng đến trại quân Kim. Tông Hàn bắt Tống phải cắt nhượng toàn bộ đất đai vùng Hà Đông, Hà Bắc; đồng thời phải hiến cho Kim 10 triệu thoi vàng, 20 triệu thoi bạc, 10 triệu tấm vải lụa. Tống Khâm Tông phải chấp nhận hết, quân Kim mới tha cho ông về thành.
Khâm Tông ra sức vơ vét vàng bạc của dân chúng kinh thành để nộp cho quân Kim. Tướng Kim thấy nộp quá chậm, mấy hôm sau lại gọi Tống Khâm Tông đến trại, giam lại, nói khi nào nộp đủ vàng bạc mới tha. Tống Khâm Tông sai 24 viên quan chia nhau dẫn quân Kim đi khám xét khắp nhà ở của hoàng thân, quốc thích, quan lại và nơi trụ trì của hòa thượng, đạo sĩ. Cuộc khám xét kéo dài hơn 20 ngày, ngoài vàng bạc châu báu bị cướp, còn mất theo nhiều bảo vật và toàn bộ bản đồ của các châu phủ trong cả nước. Tháng 4 năm 1127, Tông Hàn, Tông Vọng cùng quân Kim đã bắt giải Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông cùng 2-3 ngàn người trong hoàng tộc và quan lại đi cùng với của cải cướp được lên phía bắc. Vương triều Bắc Tống kể từ khi Triệu Khuông Dận xưng đế đến nay là 167 năm. đã kết thúc.
BẠN ĐANG ĐỌC
LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM
Ficción históricaMình rất thích nghe và đọc các tài liệu lịch sử, tuy Trung Quốc thời xưa là một nước xâm chiếm Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử lâu đời của Trung Quốc rất hay và hấp dẫn. Đây là tác phẩm mình tìm được rất hay và tâm đắc, nên chia sẻ ch...