55-56

1.2K 7 0
                                    

SỞ HÁN TRANH HÙNG

Hán Vương Lưu Bang bái Hàn Tín làm đại tướng, Tiêu Hà làm thừa tướng, chỉnh đốn hậu phương, huấn luyện binh mã. Tháng 8 năm 206 TCN, Hán vương và Hàn Tín mang quân đánh Quan Trung. Trăm họ ở Quan Trung vốn có cảm tình với Hán vương từ ngày ban hành "ước pháp tam chương", nên khi quân Hán tới, đại đa số không muốn chống lại. Chưa đầy ba tháng, Hán vương đã tiêu diệt được lực lượng của mấy hàng tướng là bọn Chương Hàm, hoàn toàn chiếm lĩnh vùng Quan Trung. Tình hình đó khiến Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ rất tức giận. Hạng Vũ toan đưa quân lên phía tây đánh Lưu Bang, nhưng ở phía đông lại xảy ra sự biến: Điền Vinh ở nước Tề nổi lên đánh đuổi Tề vương do Hạng Vũ phong, tự lập làm vương, tình hình có phần nghiêm trọng hơn phía tây. Hạng Vũ đành đem quân đánh Tề trước.

Hán vương Lưu Bang lợi dụng tình hình Hạng Vũ đánh Tề chưa ngã ngũ, liền đưa quân qua phía đông, đánh chiếm Bành Thành, đô thành của Tây Sở Bá Vương. Hạng Vũ lại vội rời bỏ nước Tề, quay binh lại giao chiến với quân Hán một trận lớn ở Tuy Thủy. Quân Hán đại bại, một số lớn chết đuối dưới sông Tuy Thủy, một số khá lớn bị bắt. Cha của Hán vương là Thái Công và vợ là Lã Hậu cũng bị Hạng Vũ bắt sống. Hán vương lui về dải Huỳnh Dương, Thành Cao (nay đều thuộc huyện Huỳnh Dương, Hà Nam), thu thập số quân tản mát. Lúc đó, Tiêu Hà điều một số quân từ Quan Trung tới, Hàn Tín cũng dẫn quân tới hợp với Hán vương, quân Hán mới phấn chấn lên được.

Hán vương dùng biện pháp đánh để giữ, một mặt giữ vùng Huỳnh Dương, dùng một binh lực nhỏ kiềm chế Hạng Vũ, một mặt phái Hàn Tín mang quân lên bắc, thu phục các nước Ngụy, Yên, Triệu. Mưu sĩ của Hạng Vũ là Phạm Tăng khuyên Hạng Vũ nhanh chóng đánh chiếm Huỳnh Dương. Hán vương hết sức lo lắng. Mưu sĩ Trần Bình vốn là người từ phía Hạng Vũ chạy sang, hiến kế cho Bái Công tìm cách ly gián Hạng Vũ với Phạm Tăng. Hạng Vũ vốn tính đa nghi, bị trúng kế phản gián, đem lòng nghi Phạm Tăng. Phạm Tăng vô cùng uất ức, nói với Hạng Vũ: "Đại thế trong thiên hạ đã định rồi, đại vương nên định liệu cho khéo. Thần đã già yếu, xin cho về quê nghỉ ngơi".

Phạm Tăng rời Huỳnh Dương, trên đường vừa buồn vừa giận, sinh bệnh. Chưa về tới Bành Thành thì phát một nhọt độc sau lưng rồi chết. Phạm Tăng chết, trong quân Sở không có người bày mưu lập kế cho Hạng Vũ, vì vậy sức ép với Bành Thành giảm đi. Hán vương dùng thiểu số binh lực kiềm chế quân Hạng Vũ ở Huỳnh Dương, Thành Cao; để Hàn Tín tiếp tục đánh phía bắc và phía đông; lại sai Bành Việt đem quân cắt đứt đường tiếp lương sau lưng quân Sở, làm cho Hạng Vũ phải tới lui tác chiến không ngừng. Hai bên Hán Sở cứ như thế cầm cự nhau hơn hai năm,

Năm 203 TCN, Hạng Vũ thân đi đánh Bành Việt, để tướng dưới quyền là Tào Cữu ở lại giữ Thành Cao, và dặn dò kỹ lưỡng là tuyệt đối không được đưa quân ra đánh nhau với quân Hán. Hán vương thấy Hạng Vũ đã đi khỏi, liền phái quân khiêu chiến. Tào Cữu nhất định không chịu ra đánh. Hán vương liền sai quân suốt ngày đứng cách sông Ty Thủy réo gọi chửi rủa. Suốt mấy ngày liền, Tào Cữu chịu không nổi, liền quyết định đưa quân qua sông quyết chiến. Quân Sở lính nhiều thuyền ít, phải chia ra từng tốp vượt sông. Quân Hán nhân cơ hội quân Sở vượt được nửa chừng, liền đánh bại tiền quân Sở, hậu quân rối loạn, giẫm đạp lên nhau. Tào Cữu thấy không còn mặt mũi nào gặp lại Hạng Vũ, liền tự sát bên bờ sông Ty Thủy.

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂMNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ