Quyển III - Chương 7

314 17 0
                                    

Rốt cuộc túi mật núi là thứ gì, chất liệu, hình dạng, kích cỡ, công dụng ra sao, Mạnh Kình Tùng hoàn toàn không biết, y từng hỏi riêng Mạnh Thiên Tư, song Mạnh Thiên Tư cũng không trả lời được.

Chỉ biết là, kể từ khi có quỷ non thì có thứ này, rất cổ xưa, cũng rất quan trọng. Năm đó, bà cố tổ cảm thấy phải tìm một địa điểm bí ẩn thỏa đáng để cất giấu, bèn vào sâu trong Tương Tây, tìm được một vùng rừng đá không ai biết đến, treo túi mật núi vào xoang núi, rừng đá vô danh ấy vì thế nên cũng nằm trong bản đồ của quỷ non, được gọi là rừng đá treo túi mật.

Vị trí được chọn này thật sự là vô song. Tên gọi tắt của Hồ Nam là "Tương", Tương Tây, ý ngoài mặt chữ, chính là phía tây Hồ Nam.

Mở bản đồ Trung Quốc ra, Hồ Nam thực ra không hẻo lánh, nó nằm ở miền Trung Nam, trên có Hồ Bắc dưới có Lưỡng Quảng, phía tây tiếp giáp Du Kiềm (*), phía đông liền với Giang Tây, nhìn thế nào cũng là một ngã tư, bống phương đều thông ra đường lớn – nhưng tình cờ là ở đây có một dãy núi tên là "Tuyết Phong Sơn" trải dài từ phía nam sang phía bắc tỉnh Hồ Nam, cắt tỉnh ra làm hai nửa, mà dãy núi này lại vừa vặn nằm trên đường ranh giới giữa bậc hai và bậc ba của Trung Quốc (*).

(*) Du là tên gọi tắt của thành phố Trùng Khánh, Kiềm là tên gọi khác của tỉnh Quế Châu.

(*) Địa thế của Trung Quốc tây cao đông thấp, lục địa có thể thể chia ra làm ba bậc thang độ cao: bậc thứ nhất là cao nguyên Thanh Tạng, cao hơn mặt biển từ bốn ngàn mét trở lên; bậc thứ hai chủ yếu là bồn địa, cao hơn mặt biển một ngàn đến hai ngàn mét; bậc thứ ba chủ yếu là đồng bằng, cao hơn mặt biển từ năm trăm mét trở xuống.

Phía đông dãy núi chẳng khác nào đồi núi Giang Nam mà phía tây dãy núi thì núi cao rừng hiểm, eo sông vừa dốc vừa chảy xiết, bất lợi cho việc giao lưu với bên ngoài, phong bế suốt mấy nghìn năm, văn hóa đầu đông chảy đến đây gặp núi lớn cản trở, khó có thể tây tiến, bởi vậy nên đến những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, khi Thẩm Tòng Văn miêu tả phong cảnh nơi này, còn gọi đây là "biên thành".

Vị trí rõ ràng là tim gan của đất nước, nhưng lại rơi vào cảnh được đãi ngộ như vùng biên cương, thế nên mới nói, bà cố tổ quả thật rất biết chọn địa điểm, am hiểu rất sâu đạo lý "đại ẩn ẩn vu thị (*)".

(*) Lấy từ tư tưởng triết học Đạo gia của Trung Quốc, nguyên văn là "tiểu ẩn ẩn vu dã, đại ẩn ẩn vu thị", nôm na hiểu là ẩn cư nơi thôn quê hoang dã, tức phải mượn nhờ hoàn cảnh thì mới sống tiêu sái được, thì chỉ là hạng xoàng mà người có bản lĩnh thật sự thì có thể ẩn cư ở ngay trong thành thị. Về sau cũng được dùng gần giống nghĩa "nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất".

Đáng ra nếu những năm ba mươi, "biên thành" cũng một người đắc đạo thì các khu vực xung quanh đã gà chó lên trời, cùng nhau vươn lên, nhưng không hề, bởi giao thông bất tiện, văn hóa bế tắc, vùng này vẫn vô danh bệ rạc như cũ, mãi đến đầu những năm tám mươi, rừng đá ráp Vũ Lăng Nguyên nổi tiếng ra cả nước ngoài của bây giờ mới được người ta phát hiện và mở rộng.

Mà rừng đá treo túi mật thì bởi địa thế hẻo lánh hơn, lối đi hiểm trở hơn, nên đến nay vẫn thâm tàng bất lộ.

(Hoàn)Xương Rồng - Hòm (Rương) - Vĩ NgưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ