Trong Mắt Phải Phượng Hoàng, phượng hoàng sống sẽ bay ra.
Thần Côn giở qua giở lại, lẩm bẩm câu này mấy lượt mới nghĩ đến chuyện muốn phàn nàn: "Chuyện quan trọng như vậy sao hộ núi nhà cô đầu này không nói gì hết vậy."
Mạnh Thiên Tư đã sớm đoán được lão sẽ nói thế, ung dung đáp: "Chuyện này không thể trách hộ núi được, họ không cảm thấy câu này có gì quan trọng, đây chỉ là ngạn ngữ dân gian của vùng Phượng Hoàng Sơn mà thôi, cũng không phải do cụ Đoàn tôi nghĩ ra. Ông tìm thử mà xem, cả nước có bao nhiêu ngọn núi tên là phượng hoàng chứ? Không đến một trăm cũng phải có tám mươi, dân nơi nào mà chẳng thể thốt rằng núi ở đó từng có phượng hoàng rơi, phượng hoàng bay, phượng hoàng đậu."
Thần Côn nhất thời nghẹn lời: Đoàn Văn Hi đi Phượng Hoàng Sơn xong, thuận tay thêm vào bản đồ núi địa phương một câu ngạn ngữ dân gian được truyền từ xưa, quả thật đúng là không phải chuyện lớn gì nên báo cáo.
Nhưng hiện giờ xem ra, dòng chữ này lại có vẻ hàm ý sâu xa.
Giang Luyện hỏi: "Thế trong sổ ghi, cụ Đoàn có chọn điều tài liệu ghi chép bản đồ núi về Trấn Long Sơn không?"
Mạnh Thiên Tư gật đầu: "Có, cũng chú giải, viết là 'Gió nổi rồng ra'. Nhưng câu này cũng rất bình thường."
Thần Côn lẩm bẩm: "Đúng là rất bình thường, nhưng có phần không bình thường lắm."
Trong "Kinh dịch" viết "Mây theo rồng, gió theo hổ", ý là hổ gầm nổi gió, bởi vậy nên gió thường, đi kèm với hổ, còn rồng thì cưỡi mây đạp sương, thường kèm với mưa dông, nhưng Đoàn Văn Hi lại viết là "Gió nổi rồng ra", vừa vặn đối ngược với "Kinh dịch" – tất nhiên trong mắt người thường, vân sương mưa gió đều chẳng có gì khác nhau nên "Gió nổi rồng ra" cũng chẳng có gì đáng bất ngờ.
Giang Luyện không xoi mói câu chữ như Thần Côn, hỏi tiếp: "Phượng Hoàng Sơn đó có Mắt Phải Phượng Hoàng, thế có mắt trái không?"
Mạnh Thiên Tư lắc đầu: "Tôi cũng biết là phượng hoàng có hai con mắt, có mắt phải thì hẳn là có cả mắt trái, đối xứng trái phải, nhưng kỳ lạ là xem đi xem lại bản đồ núi mà chỗ này lại thật sự chỉ có Mắt Phải Phượng Hoàng."
Nói tới đây, liếc sang Thần Côn: "Thế nào, trước khi xuất chinh Côn Lôn, ông có muốn đi Phượng Hoàng Sơn một chuyến không?"
Côn Lôn Sơn cách xa ngàn dặm, so với Côn Lôn, Phượng Hoàng Sơn có thể nói là gần ngay trước mắt, Thần Côn ngứa ngáy trong lòng, cảm thấy mài dao không lỡ công đốn củi, đi Phượng Hoàng Sơn một chuyện cũng không phải không thể.
***
Buổi chiều, mưa vẫn không có vẻ gì là muốn ngớt, tí ta tí tách, liên miên không dứt, làm nhiệt độ cũng thấp xuống vài độ, thời tiết này thích hợp ngồi nhà dựa bàn "làm nghiên cứu" nhất.
Xe phòng thành phòng làm việc, càng lúc càng có nhiều bản đồ và tư liệu sổ ghi được gửi tới, máy in kêu rẹt rẹt, liên tục in tư liệu, trên bàn không còn chỗ để đặt nữa, Mạnh Thiên Tư bèn lấy đất làm bàn, sau cùng, cả ba đều ngồi trên chiếu, trước mặt trải kín các tờ giấy, trong không khí tràn ngập mùi giấy mới mực mới, Lộ Tam Minh qua đưa chút đồ ăn nhẹ cho họ, không thò được bước nào vào, chỉ có thể đặt cạnh cửa.
BẠN ĐANG ĐỌC
(Hoàn)Xương Rồng - Hòm (Rương) - Vĩ Ngư
Bilim KurguTên gốc: Long cốt phần tương | dùng xương rồng để đốt rương Có người gọi là Rương, có người gọi là Hòm tùy theo cách gọi của mỗi người Tác giả: Vĩ Ngư Bản Trung: Tấn Giang Biên tập: Fang Li Thể loại: Huyền bí, không kinh dị, có lẽ là HE Tình trạng:...