Tông tộc hoàng thất Điệp Cách cực kỳ coi trọng huyết thống thuần khiết, không được pha lẫn với ngoại tộc, giai cấp thấp kém, dân đen, nô lệ... Vương thành tôn kính trước hết là Tư tế rồi đến Chế ti, Giáo phụ, sau mới tới Vu sư, Tướng lĩnh, tầng lớp thấp hèn nhất là Công thương*. Vì tư tưởng nghiêm ngặt về huyết thống này nên suốt mấy trăm năm dâu bể, toàn bộ quyền hành của Địa thành bị tóm gọn trong tay năm tông tộc lớn: hoàng thất Ô thị, đại tư tế Nạp Lan thị, chế pháp Sài thị, thuần vu Tát Lãng thị và cai thành Cao Yên thị. Tiếng nói của thường dân gần như không có trọng lượng, họ giống bầy cừu được các bề trên chăn nuôi. May mắn là qua thời gian, tục lệ này dần dần phai nhạt.
* Trước hết là tín ngưỡng (hệ tư tưởng), rồi đến tộc pháp (tục lệ) với thầy dạy (giáo dục), tiếp theo là y tế và quân đội, công thương xếp cuối cùng.
Chế pháp thả lỏng, các tầng lớp khác nhau, dù là ở trong hay ngoài tộc đều có thể thoải mái giao lưu, gần gũi, từ đó phát sinh một vấn đề - con lai. Từng có một thời gian con lai tràn lan ở vương thành, khiến tông tộc Nạp Lan lo ngại về sự mất dần nòi giống Điệp Cách thuần khiết, họ trình lên rằng: "Dân tộc ta vốn đã thiểu số mà tộc nhân còn học thói đua đòi, phóng đãng của ngoại tộc thì liệu hai mươi năm sau sẽ còn ai gìn giữ truyền thống quý báu của ông cha ta?"
Vương hoàng đương thời nghe vậy, cho là rất đúng, liền thực hiện một cuộc lùng bắt dữ dội, trục xuất con lai khỏi vương thành, gặp kẻ không nghe lời thì sẵn gươm chém giết. Đường đường là đồng bào tộc nhân mà lại bị truy sát như kẻ thù bởi chính tay đồng bào của mình, những người con lai phải trốn chạy khỏi thân nhân, khỏi quê nhà, đau khổ khi bị quê hương chối bỏ. Bọn họ bơ vơ, vất vưởng trên sa mạc, dần dần tụ họp lại trên một ốc đảo hoang sơ và xây dựng nên Hoan Lạc cốc.
Đánh đuổi hết con lai, vương hoàng còn ra lệnh bế quan tỏa cảng nghiêm ngặt, chỉ có những ai được phép của chế pháp (quản lý tộc pháp) Sài thị và cai thành (quản lý cổng thành và lính canh) Cao Yên thị mới hòng giao du với bên ngoài. Nhờ vậy, hai tông tộc này ngày càng trở nên lớn mạnh, có khuynh hướng lấn lướt quyền hạn. Sài thị nặng giáo điều, mồm mép là giỏi, có thể xem như không có dã tâm với ngai vàng nhưng Cao Yên thị lại khác: chúng có quân đội.
Sở dĩ Ô Na Kháp Hiên ngu dại, đau bệnh triền miên ngồi lên được ngôi vị đều nhờ Thái hoàng mẫu, mẹ ngài xuất thân từ Nạp Lan thị. Tính cách bà ta cực kỳ quyết đoán tàn nhẫn, một tay quét sạch tất cả chướng ngại, dìu con lên ngôi. Đến tận lúc hấp hối, bà còn liên lỉ dặn dò Ô Hiên phải treo cổ hai mươi viên quan đối nghịch, bắt ngài thề với trời rồi mới chịu xuôi tay. Đây là người đàn bà làm chao đảo vương thành chẳng kém gì Cửu công chúa, vài lần suýt khơi dậy bạo loạn và đàn áp chống đối rất mạnh tay. Nhờ vậy ngai vàng của Ô Hiên vững chắc không thể suy suyển.
Cao Yên thị hận người đàn bà này tới nghiến răng nghiến lợi, lúc Thái hoàng mẫu qua đời, chúng tiếc là không thể mở tiệc ăn mừng. Dã tâm vừa mới nhen nhóm lại thì bên cạnh Ô Hiên chợt xuất hiện một Cửu A Hoan làm cố vấn tham chính.
Vương nữ Ô Cách Lệ A Hoan là con của Tam vương thúc của Ô Hiên, trong hoàng tộc xếp hàng thứ chín, từ bé vương phụ mất sớm, được mẹ ôm về nhà ngoại Tát Lãng thị nuôi dưỡng, mỗi năm chỉ vào cung hai, ba lần tham dự các lễ lớn. Nào đâu lọt vào mắt xanh của Thái hoàng mẫu, được bà đón vào cung học tập. Mẹ nàng mới nài xin cho con dẫn theo chị em bầu bạn - cô bé này chính là Tát Lãng Minh Âm, chị họ đằng xa của A Hoan, theo hầu em học tập, nhưng chỉ sau ba năm thì Minh Âm được gia tộc đón về. Duyên cớ là vì Thái hoàng mẫu thấy Ô Hiên hơi thân thiết quá với cô bé.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Tình trai/End] Vẽ Mắt
Roman d'amourBộ 03. Tên truyện: Họa mục - Vẽ mắt. Tác giả: A Tử. Thể loại: Tình trai, 1x1, cổ phong nhã vận, trúc mã, giang hồ, (chút chút) cung đình, cường cường, yểu điệu nhuyễn manh mỹ công x quân tử như ngọc thâm tình "mù" thụ ("thỏ trắng" thích ăn thịt, mỗi...