Nếu chưa từng gặp thím Kiều, Kỷ Đông Nham nhất định sẽ bị ông lão này dọa hết hồn. Nhưng vì có những lời của thím ấy, anh đã không còn quá sửng sốt nữa. Nhưng bị một ông cụ giữ lấy một cách kích động như vậy, nhất thời anh cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ. Anh nhìn về phía Tố Diệp như cầu mong sự giúp đỡ.
Tố Diệp đã không còn quan tâm được tới cảm nhận của Kỷ Đông Nham nữa. Trái tim cô như chứa một bình nước sôi đang cuộn trào, sôi sùng sục, giày vò khiến cô rất sốt ruột. Là sự sốt ruột khi nhìn thấy một tia sáng nhưng lại không thể giải thích được câu đó của sinh mệnh.
Cô là một bác sỹ tâm lý, một nhà phân tích tâm lý, là một người giải phẫu, mổ xẻ nhân tâm và nhân tính. Cô tin rằng con người và giấc mơ có quan hệ với nhau, cũng tin rằng tinh thần có thể ảnh hưởng tới tâm lý. Nhưng cô không phải Phương Bội Lôi. Cô chỉ có hiểu biết cơ bản về các thao tác trong thôi miên, chưa từng làm một chuyên đề nghiên cứu chuyên ngành. Thế nên, sau khi biết chuyện của Dương Nguyệt, cô vẫn còn bán tín bán nghi đối với chuyện kiếp trước kiếp này. Nhưng lần này, sau khi cùng Kỷ Đông Nham trải qua những chuyện này, cô cảm thấy, thế giới đúng là rộng lớn, không chuyện kỳ lạ nào không có, sinh mệnh vô tận, vô vàn những điều kỳ thú.
Con người vốn dĩ không hiểu quá rõ về con người, đối với ý nghĩa của sinh mạng lại càng không thể tìm tòi nghiên cứu. Mấy chục năm ngắn ngủi, sao có thể hiểu thấu đáo những điều huyền bí của số mệnh? Thời gian đi đâu về đâu? Không gian rốt cuộc lớn đến chừng nào? Có luân hồi chuyển kiếp hay không? Ký ức của con người liệu có thể tiêu tan? Tất cả những điều ấy là nhân tố khiến con người mơ màng về chính bản thân mình.
Ở bên kia, ông cụ đã chảy dòng nước mắt vẩn đục. Ông ấy níu chặt lấy Kỷ Đông Nham. Còn người đàn ông đỡ ông cụ ấy ra trông cũng vô cùng kích động, hỏi anh rằng: “Là bác phải không? Có đúng không?”
Gương mặt Kỷ Đông Nham như bị phết một tầng sáp nến…
***
Qua đêm ở làng chài Đại Áo, thi thoảng lại có tiếng sóng vọng tới, còn có tiếng gió biển rít qua khe cửa sổ, mang theo mùi mặn mòi. Đây rõ ràng là một đêm rất dễ chợp mắt. Ít nhất thì gió đêm nhẹ nhàng, nhiệt độ vừa phải, không có cái ồn ào của thành thị, cũng không có tiếng người huyên náo.
Vậy mà, Kỷ Đông Nham mất ngủ.
Những chuyện xảy ban ngày lướt ngang qua đầu óc anh, từng chuyện, từng cảnh. Từ thím Kiều, ông cụ đó, gương mặt người đàn ông và người phụ nữ, cùng đứa trẻ nhìn anh mỉm cười.
Ông cụ ấy tự nhận là anh họ của Hải Sinh. Hai người họ chỉ hơn kém nhau nửa tuổi, lại luôn sống cùng nhau, thế nên từ nhỏ tình cảm đã rất tốt đẹp. Còn người đàn ông đỡ ông cụ là con trai của ông ấy, cũng là cháu của Hải Sinh, giờ đang sống cùng bố và vợ con. Hải Sinh mất sớm, hai người họ dĩ nhiên chưa từng gặp mặt. Nhưng ông cụ có giữ lại ảnh của Hải Sinh, còn thường xuyên nhắc lại Hải Sinh trước mặt con trai, thế nên hai vợ chồng họ biết rất rõ câu chuyện của Hải Sinh và Nghi Anh.
Kỷ Đông Nham đã nhìn thấy bức ảnh của Hải Sinh. Nó nằm trong căn phòng Hải Sinh từng ở.
Sau khi Hải Sinh chết, bố anh ấy vì chịu không nổi đả kích cũng đau ốm qua đời. Căn nhà gỗ mà họ sinh sống khi xưa, tới giờ vẫn bỏ hoang. Cháu trai và cháu dâu của Hải Sinh cứ tới cuối tuần lại qua đó dọn dẹp, thế nên cả căn nhà vẫn giữ được nguyên dạng. Chỉ có điều, qua bao mùa mưa gió, nó cũng đã cũ nát lắm rồi, giống như một người già bị tháng năm lắc lư, cùng trải qua bao thăng trầm, đổi thay của Hồng Kông.