Phòng của Lâm Tố Mỹ sạch sẽ thanh nhã, dù không lớn nhưng những thứ cần thiết vẫn có đủ: giá đựng đồ, giường, tủ, bàn trang điểm, bên đầu giường còn có một chiếc tủ nhỏ, phía trên có thể bày một vài món đồ be bé, phía dưới còn có hai ngăn kéo. Không cần nói nhiều, những thứ này đều là kiệt tác của Lâm Kiến Nghiệp. Tay nghề làm đồ gỗ của ông được thể hiện tối đa ở những đồ vật trong nhà. Nhờ những đồ vật này, căn phòng của Lâm Tố Mỹ nhận được không ít sự hâm mộ của đám bạn trong thôn.
Lâm Kiến Nghiệp là một thợ mộc không tệ, làm đồ gia dụng cho nhà mình không vấn đề gì. Nhưng nếu không phải vì thương con gái thì sao ông có thể chế tác tỉ mỉ được đến thế. Các cô gái trong thôn đâu cần bàn trang điểm rồi tủ đầu giường gì đó chứ, chúng hoàn toàn dư thừa, càng đừng nói đến việc bên mép các đồ vật ông còn cẩn thận mài mịn, đánh bóng để tránh cứa vào tay.
Nếu ai có lòng kiểm tra mỗi một phòng trong căn nhà của lão tam nhà họ Lâm này thì sẽ biết được sự khác biệt nằm ở đâu. Phòng của Lâm Kiến Nghiệp trống rỗng nhất, chỉ có một tủ quần áo và một chiếc bàn đặt đồ. Phòng của Lâm Bình và Lâm An thì không trống nữa. Nhưng đồ đạc trong phòng họ có được thật sự không phải vì họ được yêu chiều, mà đó là những thứ đồ Trần Đông Mai bảo Lâm Kiến Nghiệp dùng để luyện tay nghề, cho dù chúng có đẹp hay không thì sau khi làm ra đều sẽ đặt vào trong phòng của hai anh em họ, đợi tay nghề của Lâm Kiến Nghiệp thành thục rồi cuối cùng mới làm đồ đạc cho phòng của Lâm Tố Mỹ.
Khỏi phải nói, lúc chế tác đồ gia dụng, Lâm Bình và Lâm An còn vui hơn bất kì ai, làm ra một thứ đồ gì đó thì đều hận không chuyển vào phòng mình ngay, thiếu chút nữa hai người họ đã cãi nhau. Cách giải quyết cuối cùng cũng đơn giản, đứa nào cũng giống đứa nào, không ai thiệt cả.
Có đồ đạc trong hai căn phòng của Lâm Bình và Lâm An để luyện tay nghề, đồ đạc trong phòng Lâm Tố Mỹ có thể không tinh xảo hay sao?
Giá đựng đồ trên giường của Lâm Tố Mỹ còn mắc một chiếc màn mỏng. Chiếc màn đã giặt nhiều lần, thời gian sử dụng cũng đã lâu, giờ đã hơi phai màu. Nhưng có được chiếc màn như thế cũng là một chuyện vô cùng đắc ý rồi, ít nhất trong đội sản xuất số Chín, Lâm Tố Mỹ chính là người độc nhất. Phải biết rằng bây giờ mua gì cũng cần phiếu vải, ngay cả quần áo của bản thân mọi người cũng không có phiếu vải để làm, huống hồ là sang trọng đến mức mua màn, rất nhiều người trên huyện cũng còn chẳng có thứ đồ quý giá đó.
Vì chiếc màn này, Trần Đông Mai không ít lần xót ruột xót gan.
Vào mùa hè, thời tiết nóng nực thì sẽ luôn có muỗi, mọi người cũng đã quen, khi không chịu được thì lên núi hái ít cỏ, hun cả căn phòng sẽ hun chết được muỗi. Nhưng Lâm Tố Mỹ không thích, chỉ hơi ngứa chút cũng không sao, quan trọng nhất là sẽ nổi nốt, cô không thích, nũng nịu bảo mẹ nghĩ cách.
Trần Đông Mai có thể làm thế nào được, chỉ có thể đưa Lâm Tố Mỹ đi tìm cách. Vốn dì bới ra được một chiếc màn đã ố vàng, mặc dù là thứ người khác đã từng dùng nhưng vẫn rất tốt, cũng có thể sử dụng được. Có điều Lâm Tố Mỹ không chịu, sao cô có thể dùng màn người khác đã từng dùng chứ, cô nằng nặc đòi chiếc màn mới. Khi ấy Trần Đông Mai sa sầm mặt, dì thương con gái là một chuyện, nhưng tuyệt đối không thể thái quá. Đến cuối cùng thì vẫn như ý của Lâm Tố Mỹ, nhưng dì cũng đã trừ đi tiền bánh trái mấy tháng của con gái.