Chương 19: Ngoại thành phồn thịnh

535 54 14
                                    

Ngoại thành phồn thịnh

......

Dù là 5 năm trước cũng không người Bách Châu nào muốn mua nhà ở phía tây thành phố. Bởi vì phía Tây có vô vàn công xưởng, thuốc trừ sâu hóa học, sản xuất giấy và dệt may đều tập trung tại khu công nghiệp giáp đường Cận Hy chạy từ Nam ra Bắc. Do đó, những người sống ở phía Tây luôn in sâu một ấn tượng rằng: Ồ, là công nhân già.

Sau khi nhiều nhà máy được cải chế, phía tây Bách Châu bỗng trở nên sôi động hẳn, nói thẳng là do giá đất rẻ hơn trung tâm thành phố. Các toà nhà không ngừng nhô lên từ đường Cận Hy đến khu công xưởng cũ phía Tây và cả từ khu công xưởng cũ đến ngoại thành phía Tây. Khi đầu tư tài sản cố định kéo GDP của Bách Châu tăng như diều gặp gió, người dân Bách Châu bất ngờ phát hiện ra rằng, những năm qua quận phía Tây cũ dần mang phong cách phương Tây hơn: Nơi đây có nhiều con đường được sửa rộng nhất, diện tích phủ xanh lớn nhất, nhiều tòa nhà cao nhất và có nhiều xe sang chạy trên đường nhất.

Nhà của Ấn Tú nằm ở ngã ba khu công xưởng cũ và vùng ngoại thành phồn thịnh. Ông bà ngoại cô vốn là công nhân của nhà máy dệt số 3, đến đầu những năm 1990 lần lượt qua đời.

Mẹ cô, Ấn Tiểu Thường tận mắt chứng kiến làn sóng cải chế và mất việc. Khi loa phát thanh trong nhà máy phát bài "Làm lại từ đầu" của Lưu Hoan suốt nhiều năm, trong khi nhiều người bạc cả đầu vì tìm việc, Ấn Tiểu Thường đã tìm ra con đường sống của riêng mình sớm hơn họ vài năm.

Nhà máy dệt vải Số 3 được gọi tắt là "Nhà máy dệt 3", cũng như nhiều nhà máy khác, nơi đây lan truyền đủ loại câu chuyện vặt chanh chua. Ấn Tiểu Thường luôn là chủ đề chính của tràng đồn đại suốt hơn mười năm qua: Rốt cuộc đứa con gái tên Ấn Tú của bà ta là giống của ai?

Có người nói là con của một thợ cơ khí tên Ngô, trước đây hai người trốn sau bức tường ngoài câu lạc bộ dành cho nhân viên nhà máy dệt 3 ve vãn nhau đã nhiều năm, nhìn con gái của Ấn Tiểu Thường trông giống hệt mặt mũi ông Ngô. Tin đồn này lọt vào tai vợ ông Ngô, là công nhân tiên phong của đội đứng máy, bà vợ đã thể hiện công lực xử lý sợi đứt và sợi rối bằng cách đến gõ cửa nhà họ Tú, nắm đầu, túm tóc, kéo cổ áo và động tác đá vào hạ bộ điêu luyện. Sau đó chửi những công nhân đồn bậy trong nhà máy: "Ai dám nói năng bậy bạ nữa, tôi sẽ đến tận nhà trụng nước sôi!"

Thế là nhân vật chính trong lời đồn lại thay đổi, họ nói rằng ông Tống bên phòng nhân sự mập mờ với Ấn Tiểu Thường, lại còn nói như thật: khi đôi mắt của con gái Ấn Tiểu Thường trừng lên, trông dữ tợn hệt như bộ dạng ông Tống bị người ta kéo yên xe đạp đòi tiền lương.

Kể từ khi Ấn Tiểu Thường chưa chồng mà đẻ, bà đã phải sống một lối sống không trong không sạch, có những mối quan hệ không tốt không lành, mang những phẩm chất đạo đức không ngay không thẳng trong nhà máy dệt 3.

Và như thế, đứa con gái tên Ấn Tú từ nhỏ đã bị thiên hạ chỉ trỏ chì chiết đến độ tính cách trở nên trầm mặc và tĩnh lặng.

Ấn Tú trở lại Bách Châu vào ngày 3 tháng 11, về đến nhà phát hiện mẹ cô đã thay ổ khóa. Cô gõ cửa, thấy một người đàn ông mặc quần lót đi ra, nhìn cô láo liên đầy dâm dê: "Tôi đã thuê căn phòng này, làm sao tôi biết mẹ cô đi đâu? Tôi không phải bố cô."

[BHTT] Xa Gần Cao Thấp (P1) - Bán Thổ VânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ